Nhớ khi còn nhỏ, mỗi lần ăn hàng lại lấy một đoạn khăn giấy để lau đũa, muỗng. Khăn giấy ở Sài Gòn nằm trong từng cuộn, được đặt gọn trong khối hộp để hở một lỗ tròn ở trên. Khách ăn hàng muốn lấy bao nhiêu thì cuộn bấy nhiêu vào tay rồi ngắt ra. Ấy là từ hồi bé. Bây giờ giá cả leo thang, ra quán cũ, người ta không phục vụ khăn giấy nữa. Bỏ khăn giấy thế mà lại hay. Đỡ phải dọn rác dưới chân khách, lại đỡ phải tốn giấy. Khách sạch sẽ cẩn thận thì có thể lấy chiếc khăn có sẵn trên hộp đũa lau lại. Muốn lau miệng thì phải tốn tiền mua khăn ướt. Nói chung là lợi nhiều đường cho cửa tiệm.

Ra Huế, ấn tượng đầu tiên của tôi lại là chiếc khăn giấy. Tiệm ăn ngay trước nhà trọ của tôi đặt những tấm khăn giấy hình thẻ xiên vào một cái que ngắn, xòe ra theo hình quạt. Tất cả đặt trên một đế gỗ, lại có gắn dây để những đứa trẻ tinh nghịch có thể vừa ăn vừa kéo đi như đồ chơi. Quán cẩn thận và sạch sẽ, muỗng, đũa được dọn ra trong một bát nước nóng. Chỉ một chi tiết nho nhỏ như vậy đã gợi thêm trong lòng khách cảm tình với đất Cố Đô.

Ăn phở ở Hà Nội, vẫn loại khăn giấy ấy nhưng được xếp ngay ngắn trong một khay đứng hình chữ nhật, gọn gàng và tiện lợi. Có điều trước giờ tôi vẫn không có ấn tượng tốt với kiểu cách phục vụ ở Hà Nội. Chẳng biết các bác nhà mình định quy hoạch Hà Nội thành trung tâm kinh tế như thế nào, nhưng tôi có cảm giác người Hà Nội làm dịch vụ không tốt lắm. Nhớ có lần vào quán, gọi 12 tô phở đủ loại, khi ra thì đã bị xáo lung tung lên cả. Lần này, bà hàng cứ gắt lên hỏi “ăn xong chưa, ăn xong chưa…” như thể mình khề khà chiếm mất nhiều chỗ lắm vậy.

Viết đến đây, tự dưng muốn viết nhiều nữa về chuyện mở rộng Hà Nội, nhưng lại biết mình thừa thiên kiến lại thiếu thông tin, nên thôi vậy.